Ở nước ta, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất đã xuất hiện lẻ tẻ từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam bộ. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển khá mạnh và với nhiều loại hình và quy mô khác nhau.
Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với tổng số 8.304 nhà yến; nhiều nhất là tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; tiếp đến là Đông nam Bộ; Duyên hải miền Trung; một số nhà yến cũng đã xuất hiện tại Bắc Trung Bộ; Tây Nguyên; Đồng bằng Sông Hồng… bởi vậy bạn nên cần biết về Luật nuôi yến, dưới đây là nguồn chi tiết, cảm ơn bạn quan tâm
Chính sách đã có, triển khai thế nào?
Ngày 22/07/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT quy định tạm thời quản lý nuôi chim yến (Thông tư 35). Ngay sau khi Thông tư 35 có hiệu lực cho thấy những khó khăn, vướng mắc trước đây trong quản lý lĩnh vực nuôi chim yến đã dần được tháo gỡ. Theo đó, Thông tư 35 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên liên quan đến những quy định về quản lý hoạt động nuôi chim yến. Văn bản này ra đời đúng thời điểm thực tiễn đang cần công cụ quản lý.
Việc triển khai Thông tư 35 đã giúp kiểm soát chặt chẽ tình hình nuôi chim yến; trên cơ sở đó đánh giá hiện trạng, nhận định tình hình và có kế hoạch triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm phù hợp, hiệu quả.
Theo đánh giá của Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, Thông tư 35 đã trở thành công cụ hữu hiệu để đánh giá điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sơ chế, bảo quản tổ yến (trước đây chưa có). Thống kê được số lượng nhà yến, kiểm tra đánh giá vệ sinh thú y các nhà nuôi yến góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động nuôi chim yến, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm góp phần đẩy lùi sản phẩm yến giả, kém chất lượng trên thị trường.
Đến ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm. Tại khoản 2 Điều 11 có quy định “Đối với dẫn dụ, gây nuôi chim yến: Thiết bị phát âm thanh dẫn dụ đảm bảo không vượt quá 70 đề xi ben A”, tuy nhiên Nghị định không quy định về thời gian phát âm thanh và vị trí đầu tư kinh doanh nuôi chim yến. Để khắc phục thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2018/NĐ-CP trong đó có bổ sung thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến.
Sau đó phải kể đến Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể vận dụng để tiến hành xử phạt hành chính đối với hành vi phát âm thanh gây tiếng ồn quá quy định tại cơ sở nuôi chim yến.
Bước sang năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030, trong đó có các nội dung liên quan đến yến sào. Dựa trên căn cứ pháp lý và những bằng chứng khoa học việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt yến sào Việt Nam là sản phẩm quốc gia là hết sức cần thiết và có thể thực hiện được.
Đặc biệt, Luật Chăn nuôi mới được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 (có hiệu lực từ 01/01/2020) đã đề ra những quy định cụ thể về quản lý nuôi chim yến, trong đó quy định chi tiết về quản lý nuôi chim yến; về kỹ thuật chăn nuôi; cũng như chỉ ra các tồn tại, hạn chế của nghề nuôi chim yến hiện nay.
Thực tế, kiến thức khoa học kỹ thuật được phát triển trong nghề nuôi chim yến phát triển không ngừng trong những năm qua, một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ cao trong nghề nuôi chim yến (Công ty yến sáo Khánh Hòa) như: kỹ thuật ấp nở nhân tạo trứng chim yến; kỹ thuật nuôi nhân tạo chim yến; kỹ thuật sản xuất thức ăn cho chim yến giai đoạn nuôi chim yến nhân tạo; kỹ thuật dẫn dụ, di đàn, dẫn dụ yến, kỹ thuật xây dựng nhà….
Tuy nhiên, về công tác quy hoạch: chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến, đây là một việc rất khó cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt công tác quy hoạch. Thực trạng cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư (trên 90%), nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân.
Trong khi đó, về điều kiện cơ sở nuôi chim yến: Quyết định số 2655/QĐ-BNN-PC ngày 29/06/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã bãi bỏ Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT, đây là hai điều rất quan trọng liên quan đến điều kiện ban đầu cơ sở nuôi chim yến.
Hơn nữa, quản lý về điều kiện vệ sinh thú y và giám sát dịch bệnh: Chim yến với đặc thù là chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn gia cầm khác khi dịch cúm gia cầm xảy ra. Công tác phối hợp giữa địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý chim yến trên địa bàn chưa tốt. Mặc dù đã có Hiệp hội yến sào Việt Nam nhưng chưa thể hiện được vai trò tư vấn (kỹ thuật nuôi chim yến, thông tin về thị trường) và những vấn đề có liên quan đến nuôi chim yến của người dân và hội viên.